Trong suốt nhiều thập kỷ của làng bóng đá, Indonesia đã liên tiếp phải trải qua nhiều vụ ẩu đả chết người kinh hoàng. Và thảm kịch khiến ít nhất 129 người chết tại trận đấu giữa Arema vs Persebaya Surabaya theo khuôn khổ giải đấu Vô địch quốc gia tiếp tục bóc trần nhiều góc tối của bóng đá Indonesia.
Cụ thể, vào tối 1/10 theo giờ Jakarta, sau khi thua 2-3 trước Persebaya Surabaya, nhiều CĐV quá khích của Arema đã vượt rào và lao xuống sân vận động để đe doạ đội bạn khiến sân vận động Kanjuruhan nhanh chóng chìm trong một cuộc bạo động kinh hoàng.
Để ngăn chặn và trấn áp những thành phần quá khích này, cảnh sát địa phương buộc phải dùng đến hơi cay và vũ lực.
Tuy nhiên, không những không ngăn chặn được vụ xô xát mà điều này còn khiến đám đông trở nên hỗn loạn hơn bao giờ hết. Hàng loạt người hâm mộ bóng đá rượt đuổi, giẫm đạp nhau, tấn công cả cảnh sát khiến cho vụ bạo động dần như mất kiểm soát.
Thêm vào đó, việc quá đông người hâm mộ tràn xuống cùng với hơi cay khiến nhiều người không thể thở được vì thiếu oxy. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến cho ít nhất 129 người đã thiệt mạng trong vụ ẩu đả này.
Hiện tại, các nhà giới chức tại Indonesia cho biết số người thiệt mạng trong cuộc bạo loạn vẫn đang tăng lên một cách chóng mặt. Cảnh sát trưởng tại Đông Java còn cho biết thêm rằng số người bị thương sau vụ ẩu đả đang dần chuyển biến theo tình trạng xấu.
Tình trạng ẩu đả này khiến cho đội khách Persebaya phải sử dụng đến xe bọc thép để di chuyển đến khu vực an toàn sau khi bị kẹt hơn 2 tiếng tại sân vận động này.
Tình trạng thảm khốc tại đây khiến tất cả trận đấu trong giải đấu vô địch quốc gia đều bị hoãn và Arema cũng sẽ không còn có cơ hội tham gia vào bất kì trận đấu nào trên sân nhà trong suốt mùa giải còn lại.
Được biết, đây không phải là vụ ẩu đả và xô xát đầu tiên xuất hiện trong các giải bóng đá tại Indonesia. Cụ thể, đã có ít nhất 207 người phải thiệt mạng liên quan đến các vụ bạo loạn bóng đá trong suốt 28 năm tại xứ vạn đảo này. Hồi tháng 6 năm nay, ẩu đả trong quá trình xếp hàng mua vé cho trận đấu bóng đá của Bandung Persib và Persebaya cũng đã khiến 2 cổ động viên phải thiệt mạng.
Vụ bạo loạn Indonesia này chính là một bài học lớn dành cho bóng đá Indonesia. Các nhà chức trách cần phải có nhiều biện pháp cứng rắn hơn để bảo vệ sự an toàn cho mọi cổ động viên cũng như xây dựng nên một môi trường bóng đá lành mạnh và hoà bình hơn.
>> Xem thêm: Góc tối thiên đường cờ bạc Campuchia